Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh

Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 694.753 ha (chiếm 72,8% tổng diện tích tự nhiên), Điện Biên là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển cây Mắc ca, đồng thời Điện Biên cũng là một trong số ít các tỉnh của cả nước có tiểu vùng khí hậu, đất đai phù hợp để phát triển cây Mắc ca.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác trồng Mắc ca tại H. Tuần Giáo

Theo kết quả rà soát thực trạng diện tích đất nông lâm nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 431.752 ha đất trống không có rừng có thể thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có cây Mắc ca (bao gồm: 295.790 ha đất thuộc quy hoạch lâm nghiệp và 135.962 ha đất khác).

Thực hiện chủ trương, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh và được sự quan tâm của các nhà đầu tư về thực hiện dự án trồng cây Mắc ca, đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 09 dự án trồng cây Mắc ca ca theo chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thu sản phẩm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô trồng được phê duyệt triển khai thực hiện 47.296 ha tại địa bàn các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, thành phố Điện Biên Phủ. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đang tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, khảo sát, đề xuất lập dự án đầu tư trồng cây Mắc ca tại các huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Chà,...

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác trồng Mắc ca tại huyện Điện Biên Đông

Qua theo dõi tình hình triển khai thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho thấy hiện nay hầu hết các dự án trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ thực hiện do gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai và chưa nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn bộ người dân trong vùng dự án; một trong những nguyên nhân được xác định là do người dân trong vùng dự án chưa hiểu hết về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường của cây Mắc ca, cơ chế, chính sách, lợi ích khi tham thực hiện dự án với các doanh nghiệp nên chưa thực sự đồng thuận tham gia thực hiện dự án.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác trồng Mắc ca tại huyện Mường Nhé

Để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng Đề cương tuyên truyền về phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh với các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung về đặc điểm, công dụng, giá trị, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của cây Mắc ca; lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây Mắc ca của tỉnh Điện Biên; định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển cây Mắc ca; lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca. Nội dung Đề cương tuyên truyền về phát triển cây Mắc ca được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn, thiết kế, in thành tờ rơi và gửi cho các địa phương có dự án trồng cây Mắc ca để chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây Mắc ca trên địa bàn tổ chức tuyên truyền đến người dân trong vùng thực hiện dự án về hiệu quả, cơ chế, chính sách, quyền lợi của người dân khi tham gia thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca của các doanh nghiệp để người dân hiểu, hưởng ứng, đồng thuận, tích cực tham gia dự án. Để công tác tổ chức tuyên truyền việc phát triển cây Mắc ca đạt hiệu quả cao.

Tờ rơi tuyên truyền về phát triển cây Mắc ca

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp có dự án trồng cây Mắc chú trọng huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bằng các hình thức như: tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp chuyên đề về phát triển cây Mắc ca hoặc lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền khác về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tổ chức cho người dân vùng dự án tham quan, học tập các mô hình điểm; xây dựng, đăng, phát các tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền về phát triển cây Mắc ca trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn bằng các thứ tiếng dân tộc (tiếng Thái, tiếng Mông,...) hoặc các phương tiện báo chí, thông tin đại chúng khác,...

Nguyễn Tiến Đáp, Chi cục Lâm nghiệp