CHI TRẢ TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GÓP PHẦN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

CHI TRẢ TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GÓP PHẦN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

          Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 08/3/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, trên cơ sở nhu cầu và khả năng huy động các nguồn tài chính để phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2013 đến năm 2017, thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện chi trả tiền DVMTR với hình thức là chi trả tiền mặt (trực tiếp) cho các chủ rừng có cung ứng DVMTR. Tuy nhiên, do số lượng chủ rừng cung ứng DVMTR lớn, địa bàn chi trả chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa dẫn đến công tác chi trả gặp nhiều khó khăn như: rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền, chi phí chi trả cho nhân lực cao, thời gian chi trả kéo dài, phải huy động các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ, tính minh bạch chưa cao, công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, tốn nhiều thời gian, mất nhiều nhân lực. Đặc biệt là phát sinh thêm thủ tục hành chính như biên bản làm việc, biên bản giao nhận tiền, giấy ủy quyền của chủ rừng đối với chủ rừng nhờ người khác lĩnh hộ tiền. Bên cạnh đó, thủ tục chi trả, xác nhận tiền phức tạp; dễ gây thất thoát trong quá trình chi trả qua các khâu trung gian.​

(Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền mặt cho các chủ rừng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên)

        Thực hiện văn bản số 7533/BNN-TCLN ngày 9/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; Văn bản chỉ đạo số 2381/UBND-KTN ngày 4/10/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản Ngân hàng hoặc giao dịch điện tử. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thực hiện chi trả tiền DVMTR bằng hình thức thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng hoặc các giao dịch thanh toán điện tử khác.

        Để việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt cho các chủ rừng thông qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội và các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng số Viettell Pay,…được thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của chủ rừng; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội các huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến các văn bản quy định về chính sách chi trả DVMTR của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP; lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt qua hệ thống tài khoản Ngân hàng CSXH và các Ngân hàng khác. Từ năm 2019 - 2020, đơn vị đã thực hiện chuyển tiền thanh toán năm 2019 qua tài khoản với tổng số tiền 206.002 triệu đồng, chiếm 100% tổng số tiền phải chi trả; Tạm ứng năm 2020 (tính đến ngày 31/10/2020) chi trả 100% qua tài khoản, cho 2.160 tài khoản tương ứng 2.160 chủ rừng, với tổng số tiền hơn 119.834 triệu đồng. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt cho các chủ rừng thông qua tài khoản đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Nhằm giảm thủ tục hành chính, nhanh gọn, thuận lợi trong tổ chức chi trả tiền DVMTR tới bên cung ứng DVMTR.

       Đây là hình thức chi trả kịp thời, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và giúp người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán qua giao dịch điện tử, nâng cao chất lượng trong việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ việc chi trả tiền DVMTR bằng hình thức tiền mặt, nay chuyển sang chi trả qua hệ thống tài khoản là việc đổi mới cách thức chi trả, tiết kiệm thời gian, chi phí góp phần thực hiện cải cách hành chính đạt hiệu quả.

 

Lường Thiết - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng