Phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới

ĐBP - Ðội 15 nằm trong số những thôn, bản sau cùng của xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) thực hiện bê tông hóa đường nội bộ. Ông Lò Văn Hạnh, Ðội trưởng đội 15 cho biết: Ðội 15 có 4 tuyến đường nội bộ với tổng chiều dài 972m cần bê tông hóa. Nhà nước hỗ trợ đá, xi măng, cống thoát nước, người dân đóng góp tiền mua cát, tiền công. Với cách làm này, ngày 16/1 vừa qua, đội đã thi công tuyến đường đầu tiên. Sau 1 tuần thi công, tuyến đường bê tông dài 384,5m đã hoàn thành; hiện nay đội đang tiến hành đổ bê tông tuyến đường thứ hai. Như vậy, ngoài lợi thế có đường bê tông vào trung tâm huyện chạy qua, thời gian tới các tuyến đường nội bộ của đội 15 sẽ được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất.

Người dân bản Tàng Do, xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) làm đường bê tông nội bản bằng nguồn vốn nông thôn mới. Ảnh: Phạm Trung

Vận động người dân góp tiền của, công sức, hiến đất... xây dựng các công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa là một trong những giải pháp phát huy nội lực được chính quyền các cấp triển khai trong xây dựng nông thôn mới. Ðiều đó xuất phát từ thực tế nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng khả năng bố trí vốn từ ngân sách còn hạn chế. Thêm nữa, là tỉnh miền núi kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống phần lớn dân cư phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ nên việc huy động các nguồn lực không dễ dàng. Xác định những khó khăn đó, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình, vừa tranh thủ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, vừa phát huy nội lực bằng nhiều hình thức. Ngoài việc lồng ghép các dự án, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trên địa bàn toàn tỉnh, từ xã vùng lòng chảo Mường Thanh cho đến xã vùng cao, vùng sâu, biên giới đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tự nguyện hiến đất, góp công sức làm đường, xây nhà văn hóa mà không so đo tính toán. Cũng từ sự đồng lòng của chính quyền và người dân mà các tiêu chí khó như: cơ sở vật chất văn hóa, giao thông… đã được thực hiện hiệu quả, giúp nhiều xã đạt tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017, cùng với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn lồng ghép các chương trình dự án và ngân sách địa phương, toàn tỉnh huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư đóng góp là 31 tỷ 998 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực” góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn. Nhiều tuyến đường liên thôn, bản, nội bản được bê tông hóa sạch đẹp; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa; lớp học, nhà văn hóa được nâng cấp và xây mới; đời sống người dân được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh: Thực hiện xây dựng nông thôn mới, năm 2017 toàn tỉnh có 20/116 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (tăng 14 xã so với năm 2016); 71 xã đạt tiêu chí về thủy lợi (tăng 37 xã); 43 xã đạt tiêu chí về điện (tăng 12 xã); 15 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (tăng 10 xã); 16 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (tăng 11 xã); 116/116 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm (đạt 100%)...

Phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường... Do đó, cùng với việc triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh ta cần triển khai các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Thời gian qua, việc triển khai Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bước đầu có kết quả tích cực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được thử nghiệm, ứng dụng mở rộng trong sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới trong sản xuất nông - lâm - thủy sản. Công tác khuyến nông: Tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, triển khai các mô hình trình diễn... đã giúp nông dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy sản xuất, chuyển đổi dần cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Năm 2017, toàn tỉnh đã có 8 xã nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn hiện nay lên 12 xã. Mục tiêu năm 2018, tỉnh ta có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã cơ bản đạt chuẩn (đạt 15 - 18 tiêu chí) và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Mường Lay). Ðể đạt mục tiêu đó, cần sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc. Ngoài hỗ trợ của Trung ương cần tích cực phát huy nội lực của địa phương, trong đó sự ủng hộ, đóng góp của người dân có vai trò quan trọng. Mà muốn huy động hiệu quả nguồn lực từ dân thì giải pháp tốt nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để “dân biết, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra”.

Hà Nguyễn