Công tác quản lý, bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực

ĐBP - Năm 2017, công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Cơ bản bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có; trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch bước đầu mang lại hiệu quả; ý thức của người dân được nâng lên… Ðặc biệt, ngành Kiểm lâm đã ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới nhiều phương pháp chuyên môn giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ).

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh phát hiện 512 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm 2016), gây thiệt hại 141,88ha rừng. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 376/512 vụ, xử lý hình sự 21 vụ với 37 bị can; tịch thu 123,7m3 gỗ các loại; 28,58kg lâm sản ngoài gỗ. Tổng số tiền thu, nộp ngân sách Nhà nước 2,54 tỷ đồng.

Năm 2017, UBND tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh; chính quyền địa phương kiện toàn 1.786 tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở thôn, bản với trên 18.000 thành viên; tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 40.000 lượt người và tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng.

Song song với phương pháp truyền thống hàng năm, năm 2017 là năm đầu tiên ngành Kiểm lâm ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý bảo vệ rừng giúp phát hiện nhanh, sớm các biến động tăng, giảm của rừng qua ảnh vệ tinh (phối hợp với Dự án Quản lý thiên nhiên bền vững của tổ chức Jiaca Nhật Bản triển khai thử nghiệm công nghệ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng công nghệ không gian địa lý). Qua đó, ngành Kiểm lâm có thể phát hiện sớm những vụ phá rừng, cháy rừng và hỗ trợ trong công tác kiểm kê, nghiệm thu rừng để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 1 năm ứng dụng công nghệ không gian địa lý vào theo dõi diễn biến rừng, toàn tỉnh đã phát hiện 1.857 vị trí rừng có biến động giảm và 10.847 vị trí rừng có biến động tăng. Tỷ lệ chính xác khoảng 75 - 80%.

Ông Trần Trung Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Ứng dụng công nghệ không gian địa lý hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trước đây, rừng ở địa bàn vùng sâu, xa, cán bộ kiểm lâm phải đi bộ cả ngày đường mới đến thì nay có thể theo dõi diễn biến rừng tại các khu vực đó mà không phải đến trực tiếp. Khi phát hiện diện tích rừng có biến động, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thực địa. Phương pháp này đòi hỏi người sử dụng phải thành thạo máy tính để sử dụng phần mềm ứng dụng. Do đó, thời gian tới, Hạt sẽ đề nghị Chi cục Kiểm lâm tăng cường tập huấn cho 100% cán bộ trong đơn vị. Do đang trong quá trình thử nghiệm nên công nghệ này cũng chỉ là phương pháp hỗ trợ, còn hàng tuần, hàng tháng, lực lượng kiểm lâm vẫn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng. Ðồng thời mở rộng quy mô cộng tác viên; phát huy phong trào “mỗi người dân là một cán bộ kiểm lâm”; phổ biến đường dây nóng của huyện trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thêm một điểm mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của ngành Kiểm lâm là tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 87.706ha rừng chưa giao, chưa cho thuê. UBND tỉnh đang chỉ đạo các huyện, xã xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê để làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nếu chính sách này được phê duyệt sẽ có thêm nguồn thu để triển khai, nhân rộng các mô hình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn và người dân có thêm thu nhập, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Phạm Trung