Nâng chất lượng “đầu ra” cho cà phê Mường Ảng

ĐBP - Toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.310ha cà phê; trong đó có 305ha cà phê kiến thiết cơ bản; còn lại là cà phê giai đoạn kinh doanh. Vụ thu hoạch cà phê đã bắt đầu được hơn 1 tháng với nhiều khả quan về năng suất, sản lượng. Theo các cơ quan chức năng của huyện đánh giá, đây là năm được mùa cà phê sau một thời gian khá dài cây cà phê bị “bỏ quên” không được đầu tư chăm sóc vì nhiều lẽ. Trong đó, giá cà phê nhiều năm liên tiếp xuống thấp, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, khó đầu ra là chủ yếu. Ðể nâng cao chất lượng cà phê ngay từ khâu thu hái, bảo quản; công tác tuyên truyền, vận động người dân thu hái đúng theo kỹ thuật được chính quyền đặc biệt chú trọng. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng.

Nông dân thị trấn Mường Ảng thu hái cà phê.

Với kinh nghiệm hơn chục năm trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng, anh Nguyễn Ngọc Tứ, bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang cho biết: Là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho cây cà phê phát triển. Vì vậy 10 năm qua, gia đình anh tập trung trồng và phát triển 20ha cây cà phê, chủ yếu là giống cà phê catimor và 5ha cà phê ghép. Hàng năm tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hơn 1.000 lao động thời vụ. Năm nay vườn cà phê của gia đình tiếp tục được mùa với sản lượng ước đạt hơn 200 tấn quả tươi. Theo anh Tứ, quy trình kỹ thuật thu hái là khâu quan trọng quyết định bước đầu chất lượng và giá bán cà phê tươi. Vì vậy lao động làm việc thường xuyên trong vườn cà phê của gia đình đều được tập huấn nâng cao kiến thức, quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hái…

Anh Tứ cho biết, để cà phê đạt chất lượng cao nhất thì yêu cầu đầu tiên đó là cà phê phải được hái đúng tầm chín. Quả chín đỏ hoặc vừa chín, chứ không hái quả xanh; đặc biệt là không để lẫn với những quả chín nẫu hay khô. Trong sản phẩm thu hái, tỷ lệ quả chín hoặc chín vừa phải đạt từ 95% trở lên (trừ đợt thu hoạch lần cuối tỷ lệ có thể thấp hơn). Cà phê thu hái xong phải chế biến ngay, nếu không kịp chế biến phải trải quả cà phê trên nền gạch cho thoáng mát, không quá dày (30 - 40cm) cũng không được ủ đống khiến quả nóng và lên men. Nhờ tuân thủ quy trình thu hái, bảo quản nghiêm ngặt sau thu hái nên cho dù cà phê tươi hay cà phê trấu thì nhiều năm qua, giá bán cho tư thương của gia đình anh vẫn cao hơn so với mặt bằng giá trên thị trường và sản phẩm dễ bán hơn. Anh Tứ cho rằng, thị trường hạn hẹp, phụ thuộc nhiều vào tư thương ngoài tỉnh khiến cà phê Mường Ảng khó chủ động giá, thậm chí còn bị ép giá. Tuy nhiên, nếu biết giữ thương hiệu cho chính cây cà phê của mình bằng việc tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật thu hái, bảo quản thì không khó tìm nơi tiêu thụ.

Anh Nguyễn Ngọc Tứ chỉ là một trong số hàng nghìn hộ trồng cà phê đã và đang thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh bằng việc xây dựng, giữ gìn thương hiệu cà phê Mường Ảng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Cùng với đó là sự trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện đã và đang nỗ lực tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Vừa qua, đoàn công tác huyện Mường Ảng do đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện... trực tiếp đến các vùng sản xuất cà phê truyền thống ở Tây Nguyên để khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho cà phê Mường Ảng. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trồng cà phê chung tay xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng; quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua các “kênh” hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; đặt các cửa hàng giới thiệu sản phẩm cà phê Mường Ảng tại các siêu thị, hệ thống phân phối sản phẩm tại các tỉnh lân cận và Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ, nhiều năm qua huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay từ khâu lựa chọn giống cà phê. Chú trọng công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng UTZ, 4C, VietGap... tạo ra sản phẩm cà phê sạch; đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người trồng cà phê được tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê vào địa bàn theo công nghệ tiên tiến, công suất hợp lý để thu mua sản phẩm cho người dân và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy