Đẩy mạnh theo dõi sâu bệnh hại trên các cây trồng mới tại Điện Biên
Trong những năm gần đây ngành nông nghiệp toàn tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thể hiện ở việc giảm diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như trồng rau, mắc ca, cây dược liệu, cây ăn quả, cây gai xanh,… tạo ra những sản phẩm có thị trường và hình thành một số chuỗi liên kết tiêu thụ nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Page Content
Kiểm tra sinh trưởng, phát triển và sinh vật gây hại trên cây gai xanh AP1
Cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung toàn ngành, năm 2022 công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố vẫn được quan tâm duy trì thực hiện, sinh vật gây hại cơ bản đảm bảo kiểm soát an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay cây mắc ca, gai xanh, dược liệu,… và một số cây trồng khác nằm trong định hướng phát triển của tỉnh chưa có tài liệu hướng dẫn việc điều tra, phát hiện, quy định mức thống kê dịch hại cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chủ động lên các phương án phòng chống phù hợp. Do vậy, để có cơ sở kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn nữa sinh vật gây hại trong tình hình hiện nay, ngành Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra định kỳ theo sự phân công chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các diện tích cây đủ điều kiện thực hiện điều tra định kỳ theo quy định. Riêng đối với cây mắc ca và những cây trồng nằm trong định hướng phát triển nhưng chưa đủ diện tích, điều kiện để thực hiện điều tra định kỳ, tiến hành điều tra bổ sung nhằm nắm bắt thành phần sinh vật gây hại và đánh giá các yếu tố tác động cũng như nghiên cứu, trao đổi, nâng cao năng lực của cán bộ kỹ thuật từ đó xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp trên địa bàn tỉnh.
Phòng kỹ thuật – Chi cục Bảo vệ thực vật