Mã số vùng trồng – Tấm vé vượt rào cản cho nông sản xuất khẩu
Hiện nay, diện tích sản xuất nông sản tập trung trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về quy mô, mức độ đầu tư thâm canh do các tổ chức (HTX, Công ty, Doanh nghiệp,…) đầu tư có định hướng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản như: lúa, mắc ca,… Một số diện tích đã bắt đầu cho sản lượng khả quan, bước tiến đến xuất khẩu đã không còn xa.
Page Content
(Mắc ca được trồng tại nhiều huyện, thị trong tỉnh)
Trong khi đó, thị trường nông sản xuất khẩu gần đây nóng lên với yêu cầu rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường tiềm năng với sức tiêu thụ lớn. Để sản phẩm nông sản vào được thị trường này, điều kiện cần cốt lõi là Mã số vùng trồng.
Vậy, tại sao phải đăng ký Mã số vùng trồng? Đăng ký Mã số vùng trồng như thế nào?
Dựa theo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các mặt hàng là rau, củ và trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường khó tính (trong đó có thị trường Trung Quốc), yêu cầu về vùng trồng riêng được đăng ký và kiểm soát bởi Cục bảo vệ thực vật là điều kiện tiên quyết đầu tiên.
Thông qua việc cấp mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định, đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu.

(Mắc ca bước vào giai đoạn cho thu hoạch tại xã Tà Lèng – TP. ĐBP)
Trước những yêu cầu, điều kiện phát triển nông nghiệp định hướng xuất khẩu như hiện nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã ban hành Công văn số 374/SNN-BVTV ngày 08/3/2021 về việc hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đây vừa là điều kiện và cũng là cơ hội để các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp mở rộng tiếp cận với thị trường trong và ngòai nước, nhất là các thị trường khó tính./.
Chi cục Bảo vệ thực vật