Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu cắn gié

Đăng ngày 23 - 07 - 2019
100%

ĐBP - Sâu keo mùa thu xuất hiện vào cuối tháng 4/2019 trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, rồi lây lan sang các huyện khác. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.185ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu; trong đó 952ha nhiễm nhẹ, hơn 189ha nhiễm trung bình và 44,3ha nhiễm nặng. Mật độ sâu phổ biến từ 1 - 2 con/m2, có nơi cao từ 8 - 12 con/m2. Sâu keo mùa thu cũng lây lan và làm hại gần 70ha lúa vụ mùa trên địa bàn huyện Ðiện Biên và Tuần Giáo, với mật độ phổ biến từ 15 - 20 con/m2.

Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) cách nhận biết sâu keo mùa thu.

 

Cùng với sâu keo mùa thu, sâu cắn gié cũng đang là mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên lúa nương. Sâu cắn gié xuất hiện từ cuối tháng 6, đến nay đã lây lan tại 10/10 huyện, thị xã và thành phố, với tổng diện tích bị nhiễm hơn 1.012ha. Trong đó, gần 700ha diện tích bị nhiễm nhẹ, hơn 188ha bị nhiễm trung bình và gần 128ha bị nhiễm nặng, với mật độ phổ biến từ 20 - 40 con/m2, có những nơi lên đến 150 con/m2; những huyện bị nhiễm nặng là: Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông. Ông Tòng Văn Lai, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Từ đầu tháng 6 đến nay, sâu keo mùa thu và sâu cắn gié gây hại ngô và lúa nương trên diện tích hơn 620ha; trong đó 245ha ngô và hơn 383ha lúa nương; mật độ trung bình từ 5 - 15 con/m2, nơi cao 25 con/m2.

Bà Nguyễn Thị Nhật, Phó phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda. Ðây là loại sâu hại ngoại lai xâm lấn vào Việt Nam từ ngày 19/4/2019. Ðối với sâu cắn gié, tuy không phải là loại mới nhưng năm nay xuất hiện sớm hơn mọi năm (hàng năm sâu xuất hiện vào tháng 9). Hai loại sâu này có đặc điểm chung là đều có sức cắn phá mạnh, chủ yếu trên ngô, lúa. Chúng ăn nõn, lá cây, chỉ để lại gân lá, thường di chuyển theo đàn và di chuyển liên tục nên mức độ thiệt hại rất lớn nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ðể hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện chủ động rà soát, nắm rõ diện tích trồng ngô, giống ngô, giai đoạn sinh trưởng để phục vụ việc điều tra và phòng trừ; xác định mật độ, tuổi sâu và thống kê diện tích nhiễm. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động theo dõi, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ theo quy trình kỹ thuật; trong đó tập trung vào các biện pháp phòng chống tổng hợp như: Làm đất, luân canh, ngắt ổ trứng, sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật ở những nơi có mật độ cao khi sâu tuổi nhỏ; phun trên cây ngô giai đoạn từ 5 - 7 lá bằng các thuốc có chứa hoạt chất: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacar, Lufenron. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát theo nguyên tắc “4 đúng”. Ðối với thuốc trừ sâu cắn gié, hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có nên tạm thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu có hoạt chất vị độc, tiếp xúc để phun trừ. Do sâu cắn gié có khả năng kháng thuốc rất cao nên quá trình phun thuốc cần cân nhắc, tránh lạm dụng ảnh hưởng đến lúa. Những nơi mật độ từ 3 - 20 con/m2, sử dụng luân phiên thuốc có chứa hoạt chất Emamectin benzoat; những nơi sâu có mật độ cao, theo đàn thì sử dụng hỗn hợp thuốc có hoạt chất sinh học như: Emamectin benzoat với thuốc có chứa hoạt chất Cypermethrin, Alpha Cypermethrin, Thiosultap sodium. Sau khi phun 7 - 10 ngày phải tiến hành kiểm tra lại, nếu mật độ sâu còn đến ngưỡng thì tiến hành phun lần 2.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Nhờ chủ động, tích cực triển khai công tác phòng trừ nên cơ bản đã kiểm soát được khả năng lây lan của sâu keo mùa thu và sâu cắn gié; giảm đáng kể diện tích ngô, lúa bị xâm nhiễm. Ðến nay, các địa phương đã thực hiện phun phòng trừ được gần 500ha đối với diện tích nhiễm sâu keo mùa thu và gần 590ha đối với diện tích nhiễm sâu cắn gié. Những diện tích còn lại hiện đang được các địa phương khẩn trương phun phòng. Mặc dù đã tạm thời kiểm soát được mức độ lây lan và gây hại của sâu keo mùa thu cũng như sâu cắn gié, nhưng trong thời gian từ nay đến cuối vụ sản xuất, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác phòng chống. Bởi đây là đối tượng sâu hại có khả năng xâm nhiễm khó lường, gối lứa liên tục.

Tin mới nhất

Sổ tay TOT (quả chuối)(16/04/2024 9:58 CH)

Sổ tay TOT (Quả nhãn, Thanh long, Xoài)(16/04/2024 9:10 CH)

Sổ tay TOF lĩnh vực Trồng trọt và BVTV(16/04/2024 5:05 CH)

Giới thiệu bộ tài liệu về canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Tây Bắc(27/02/2024 10:15 CH)

Thông báo về việc mở Lớp "Bồi dưỡng chuyên môn về thuốc Bảo vệ Thực vật đợt II năm 2023" (15/09/2023 12:20 SA)

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng(19/06/2023 10:04 CH)

Huyện Điện Biên thắng lợi vụ lúa đông xuân(23/05/2023 11:33 CH)

Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng(03/04/2023 9:49 CH)

°
968 người đang online