Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Thị trường Mường Ảng xáo trộn không nhỏ từ dịch tả lợn châu Phi

Đăng ngày 02 - 04 - 2019
100%

ĐBP - Từ sau khi dịch tả lớn Châu Phi bùng phát tại huyện Mường Ảng, nhiều tiểu thương buôn bán thịt lợn ế ẩm, thậm chí phải dẹp sạp hàng, chuyển sang tiêu thụ những loại thực phẩm khác thay thế cho thịt lợn…

Mới nửa tháng sau khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, không khí mua bán tại chợ đã có phần khác lạ hơn so với trước kia. Chị Cà Thị Hải - một tiểu thương bán thịt lợn nhiều năm tại Chợ trung tâm thị trấn Mường Ảng cho biết: “Trước kia ngày tôi bán được con lợn gần tạ, giờ chung nhau mỗi người nửa con mà còn bán cả ngày không hết!”. Những bàn thịt lợn heo hắt không một bóng khách; giá bán cũng giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/1kg mặc dù sản phẩm đều đã qua kiểm dịch.

Ðược biết, trước đó chợ huyện có tới vài chục bàn buôn bán thịt lợn rất tấp nập, nay chỉ còn lại vài bàn hiu hắt. Ða phần tiểu thương đã phải gấp rút bỏ “nghề kiếm cơm” từ nhiều năm nay vì thịt lợn bị người dân gần như tẩy chay hoàn toàn. Một số khác cố gắng cầm cự, chỉ dám bán 20kg - 30kg/ngày thay vì cả tạ trước kia, gặp ai cũng mời chào nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt của khách. Những người này chủ yếu là “thịt nốt những con lợn sót”, hoặc thịt lợn của chính nhà mình, họ hàng anh em mình nuôi… để giải ế và “níu kéo” một cái nghề tạm gọi là truyền thống. Chị Lường Thị Ðoán, một người bán thịt ở chợ huyện cho hay: “Người ta cứ tuyên truyền, đồn thổi là lợn bệnh, nhưng thực ra có phải đâu em! Lợn nhà chị tự nuôi tự mổ, có kiểm dịch đoàng hoàng, nhưng giờ nói cũng chẳng ai tin. Cứ như này làm sao mà sống nổi?”. Người ăn lo lắng, người bán cũng thất thần, họ chỉ muốn được thanh minh cho tất thảy mọi người biết là họ bán thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng!

Chúng tôi lên bản Nậm Chan II, thuộc xã Mường Ðăng để gặp ông Lý A Lệnh - một nông dân được mệnh danh là “vua lợn” ở Mường Ảng với hàng trăm con lợn thả rông bán rất được giá. Ông Lệnh tâm sự, dịp này năm ngoái, gia đình ông bán hàng tấn lợn, để lấy tiền thuê mượn làm nương ngô nương sắn. Năm nay có dịch tả lợn châu Phi, hầu như không bán được con nào. Lợn đến kỳ xuất chuồng, ngốn thức ăn như nước mà ngày ngày vẫn phải chứng kiến chúng cắn xé nhau ỏm tỏi cả núi.

Chia tay ông Lệnh, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị A - chủ một trong những nhà hàng lớn tại thị trấn huyện Mường Ảng, cô cho hay: “Trước quán cô có rất nhiều món liên quan đến thịt lợn và đều là những món bán rất chạy ở quán. “Từ ngày công bố dịch tả châu Phi, cô vẫn tìm đến chỗ uy tín để mua về làm, nhưng những “tín đồ thịt lợn” sợ không dám ăn nên quán xá cũng ế ẩm hẳn”. Có thể thấy được, không chỉ người nuôi, người bán thịt mà cả những nhà hàng lớn nhỏ trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng không nhỏ.

Không chỉ người chăn nuôi, bán thịt lợn mà cả người tiêu dùng cũng bị dồn vào thế bí. Họ phải tìm thực phẩm thay thế, trong khi giá các một số loại thức phẩm (gà, vịt, trâu, bò...) tăng do quy luật thị trường. Một người tiêu dùng đang lựa chọn gà chia sẻ: “Nhà chị nhịn thịt lợn hơn tuần nay rồi em, nhà có người già và trẻ nhỏ nên thôi tốt nhất cứ tránh ra cho lành. Nhưng mỗi sáng dậy, nghĩ xem hôm nay phải ăn gì cũng mệt mỏi lắm; nhà đông người, mua 1 con gà về thì ai ăn ai đừng? Mà đắt quá, có hôm chị cho cả nhà ăn trứng, cá khô… thôi!”.

Các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, kịp thời triển khai ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn huyện Mường Ảng;  công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, cùng hướng dẫn các biện pháp phòng và chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện cũng được triển khai. Tuy nhiên, có lẽ vẫn phải thêm một lần nữa phải khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm trên người và vi rút tả lợn châu Phi bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun với nhiệt độ 100oC. Vậy nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn. Chúng ta không nên tẩy chay thịt lợn, thay vào đó hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái, chọn được nơi mua hàng uy tín và đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

 

Tin mới nhất

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường(14/03/2024 5:20 CH)

Triển khai các lớp tập huấn xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò; xử lý chất...(23/11/2023 9:45 CH)

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn(23/11/2023 9:39 CH)

Tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người làm công tác kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn(13/08/2023 2:54 CH)

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm(19/06/2023 10:01 CH)

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của Pháp luật về Thú y trong hoạt động buôn bán, kinh...(13/04/2023 3:02 CH)

Mường Ảng chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi(03/04/2023 9:53 CH)

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp(08/03/2023 9:25 CH)

°
313 người đang online