Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Nhọc nhằn khuyến nông vùng cao

Đăng ngày 19 - 01 - 2018
100%

ĐBP - Ðịa hình chia cắt, giao thông cách trở, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế khiến công tác khuyến nông vùng cao gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ khuyến nông vẫn kiên trì bám bản, gần dân để truyền đạt kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân nâng cao trình độ lao động, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập.

 Chị Giàng Thị Mùa, bản Ðề Tâu, xã Mường Ðun chăm sóc đàn gà.

Một ngày cuối tháng 12, tôi có chuyến trải nghiệm cùng cán bộ khuyến nông huyện Tủa Chùa đi kiểm tra mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm tại bản Ðề Tâu, xã Mường Ðun. Mô hình đã triển khai được 3 tháng, hôm nay, cán bộ khuyến nông xuống kiểm tra tốc độ sinh trưởng của đàn gà và tổ chức tập huấn về dấu hiệu nhận biết, cách phòng trị bệnh cho gà. 8 giờ sáng, trời rét căm căm, 20 hộ dân tham gia mô hình đã tập trung đầy đủ tại nhà trưởng bản. Chị Lò Thị Nhâm, cán bộ khuyến nông huyện Tủa Chùa bắt đầu bài giảng với việc cho bà con xem những hình ảnh sinh động minh họa về dấu hiệu bệnh thường gặp trên gà. Sau đó là kiến thức về phương pháp phòng trừ và các loại thuốc đặc trị theo từng giai đoạn phát triển của gà. Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi của người dân... Chị Lò Thị Nhâm cho biết: Khi Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện có chủ trương xây dựng mô hình, tôi phải trực tiếp xuống xã, phối hợp với cán bộ khuyến nông xã đến từng bản để khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ở đây, các thôn, bản nằm rải rác, có những bản cách trung tâm xã vài chục ki lô mét, đi xe máy mất 1 - 2 tiếng mới tới nơi. Trời nắng ráo còn đỡ nhưng nếu mưa thì đường không đi được. Có những lần dù đã hẹn trước nhưng khi đến nhà thì chủ nhà đi vắng lại phải chờ lần sau. Do đó, trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông gần như ở cùng dân.

Sau buổi học lý thuyết, cán bộ khuyến nông đi kiểm tra về điều kiện chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gà của từng hộ dân. Tại gia đình chị Giàng Thị Mùa, bản Ðề Tâu phát hiện ra 3 con gà bị bệnh khô chân, chị Nhâm bắt con gà ra khỏi chuồng, chỉ cho bà con dấu hiệu nhận biết bệnh, phương pháp điều trị, sử dụng loại thuốc gì để người dân tự làm, không phải gọi cán bộ thú y đỡ tốn chi phí. Chị Giàng Thị Mùa cho biết: Tôi chưa bao giờ nuôi gà trong chuồng, nhưng nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã làm chuồng, xung quanh quây lưới thép B40 để nuôi gà tập trung và tiêm thuốc phòng trừ dịch bệnh định kỳ. Sau 3 tháng nuôi theo phương pháp mới, tỷ lệ sống đạt 100%, gà không bị dịch bệnh, sinh trưởng tốt.

Nậm Pồ là huyện mới, 100% các xã đều khó khăn, giao thông cách trở, trình độ sản xuất người dân lạc hậu. Do đó, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khuyến nông càng nặng nề hơn. Hơn 4 năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nậm Pồ luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng năm, Trạm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học  kỹ thuật và các mô hình trình diễn tại cơ sở. 100% các mô hình trình diễn đều đạt kết quả tốt, người dân từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng phương thức sản xuất mới, chú trọng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðiển hình như các mô hình: Nuôi gà xương đen tại bản Tân Hưng (xã Si Pa Phìn); nuôi gà lai chọi tại bản Ðệ Tinh 2 (xã Phìn Hồ); trồng cây sa nhân xanh tại 2 xã: Nà Bủng và Nậm Khăn; nuôi cá thương phẩm tại xã Chà Tở và Nậm Chua… Ông Nguyễn Duy Thương, Trạm phó Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nậm Pồ, cho biết: Ðối với địa bàn vùng cao đòi hỏi cán bộ khuyến nông phải thật tâm huyết, yêu nghề, thường xuyên bám bản, gần dân thì mới biết được nhu cầu, nguyện vọng của người dân từ đó các lớp tập huấn, mô hình mới triển khai hiệu quả. Giảng bài chủ yếu bằng tranh, ảnh và mô hình giáo cụ trực quan; tăng tiết học thực hành “cầm tay chỉ việc” trên thực địa để bà con dễ hiểu, nhớ bài lâu. Những năm qua, dù kinh phí hoạt động hạn hẹp, chế độ hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông ít, có năm không có nhưng đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến xã vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tin mới nhất

Chuyển giao kỹ thuật “Nuôi cá Lăng trong lồng bè” theo hướng an toàn thực phẩm.(10/04/2019 9:11 CH)

Thả cá Hồi vân phục vụ dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá Hồi vân trong bể xây tại xã Tênh Phông...(29/11/2018 11:27 CH)

Hiệu quả Mô hình sản xuất ngô LVN 885 trên địa bàn xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông(19/09/2018 11:59 CH)

Hội nghị Giao Ban công tác Khuyến nông 8 tháng đầu năm 2018(17/08/2018 2:40 CH)

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn đảm bảo an toàn sinh học(15/08/2018 11:45 CH)

Thơ vui Khuyến nông: Nơi nơi cùng làm(04/06/2018 2:58 CH)

Tập huấn kỹ thuật nuôi cá Tầm trong lồng bè(23/03/2018 8:52 CH)

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông(19/01/2018 4:09 CH)

°
2783 người đang online