Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Quản lý rơm, rạ sau thu hoạch

Đăng ngày 03 - 10 - 2017
100%

Theo điều tra, khảo sát tùy từng vụ sản xuất Lúa mà việc xử lý rơm rạ được người nông dân áp dụng khác nhau; tuy nhiên, trung bình hàng năm tại vùng lòng chảo Điện Biên có 30% khối lượng rơm rạ bị đốt ngay sau khi thu hoạch (đốt đồng), 65% được vùi tươi tại chỗ, 15% được sử dụng làm chất đốt, làm thức ăn gia súc, làm phân bón và trồng nấm. Rơm rạ bị đốt cháy, vùi tươi tại chỗ vừa lãng phí nguồn năng lượng lớn, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Cây Lúa bị ngộ độc hữu cơ

Rơm rạ được vùi lại trong đất không những không phát huy tác dụng tốt mà còn ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây lúa do thời gian đất nghỉ giữa hai vụ lúa là rất ngắn, vụ Đông xuân chỉ khoảng từ 15 - 20 ngày. Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây mà trái lại, sự phân hủy hữu cơ không triệt để còn làm cho cây lúa non bị ngộ độc sau khi sạ. Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi, thường sinh trưởng kém, dễ mắc bệnh vàng lá sinh lý, nghẹt rễ và nhiễm nặng các đối tượng sinh vật gây hại khác. Ngoài ra, việc rơm rạ được vùi lại trong đất gây áp lực rất lớn về cỏ dại và hiện tượng lúa lẫn trong các vụ sản xuất tiếp theo.

Đốt đồng được nông dân cho là phương pháp nhanh, rẻ tiền nhất và tránh được hiện tượng ngộ độc hữu cơ nêu ở trên. Chính vì tiện lợi nrên không chỉ tại Điện biên mà hầu hết tất cả các vùng trồng Lúa tại Việt nam đang áp dụng. Việc đốt đồng có khả năng giải phóng nhanh mặt bằng đồng ruộng, tiêu diệt các ổ dịch hại tồn dư trong rơm rạ từ vụ trước, không tốn công di chuyển, hạn chế tình trạng rơm rạ vất bừa bãi ảnh hưởng đến giao thông đi lại hoặc gây tắc, nghẽn dòng chảy tại các công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, phần than còn lại trên mặt ruộng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi đó, đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi, đồng ruộng trở nên khô và có khả năng chai cứng nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài. Mặt khác, hàm lượng chất hữu cơ và khoảng 50%  quần thể vi khuẩn trong đất giảm ngay sau khi đốt. Lượng dinh dưỡng trong rơm rạ, trung bình 1 tấn rơm rạ khô 5 – 8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg Kaly và 40 kg silic,...khi bị đốt cháy ở nhiệt độ cao hầu hết đạm, 25 % lân, 20% Kaly sẽ mất hết, lượng silic cây lúa không thể sử dụng được. Hàng năm diện tích đốt đồng tại Điện Biên khoảng trên 150 tấn rơm rạ nên lượng dinh dưỡng thất thoát hàng năm là rất đáng kể. Đặc biệt, khi đốt rơm, mỗi héc ta lúa sẽ phát thải 110 tấn khí CH4, 10 tấn khí N2O, 1 lượng lớn các chất hữu cơ độc hại khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe và quá trình sản xuất của người dân.   

Trong trường hợp rơm, rạ được tận thu đây là nguồn phụ phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc làm thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò. Nó cũng là nguyên liệu để phục vụ nhu cầu trồng nấm rơm mang lại giá trị kinh tế cao và tạo thêm công việc làm cho nông dân. Ngoài ra, rơm cũng có thể sử dụng để phủ gốc cho vườn cây ăn trái, nhằm giảm bớt thoát hơi nước trong mùa nắng và chống xói mòn trong mùa mưa; khi rơm hoai mục cũng sẽ là nguồn cung cấp chất hữu cơ quan trọng cho đất. Trường hợp rơm rạ không được đem ra khỏi đồng ruộng, để tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa thì người dân nên xử lý rơm rạ bằng cách cày vùi, dùng chế phẩm vi sinh Trichoderma, phân vi sinh Azotobacterin,…khi sử dụng nó có tác dụng phân giải nhanh các chất xơ, làm đất tơi xốp, thoáng khí hoặc dùng vôi bột để phân hủy rơm rạ thành phân bón hữu cơ tốt hơn nhanh hơn. Do đó, thời gian tới cần khuyến khích người dân thay đổi tập quán, sử dụng các biện pháp sinh học để phân hủy rơm rạ, tiết kiệm chi phí phân bón, giảm ảnh hưởng xấu của sản xuất nông nghiệp đến môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cây Lúa sinh trưởng, phát triển khỏe nâng cao giá trị chất lượng, sản lượng lúa gạo tại Điện Biên.

Tin mới nhất

Giới thiệu bộ tài liệu về canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Tây Bắc(27/02/2024 10:15 CH)

Thông báo về việc mở Lớp "Bồi dưỡng chuyên môn về thuốc Bảo vệ Thực vật đợt II năm 2023" (15/09/2023 12:20 SA)

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng(19/06/2023 10:04 CH)

Huyện Điện Biên thắng lợi vụ lúa đông xuân(23/05/2023 11:33 CH)

Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng(03/04/2023 9:49 CH)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng(08/03/2023 9:27 CH)

Tăng thu nhập từ sản xuất ngô vụ đông(28/12/2022 10:58 CH)

Đẩy mạnh theo dõi sâu bệnh hại trên các cây trồng mới tại Điện Biên(01/11/2022 2:54 CH)

°
3016 người đang online