Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Phương án quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng chính vụ Đông năm 2017

Đăng ngày 18 - 10 - 2017
100%

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2017 toàn tỉnh gieo trồng khoảng trên 3.000 ha. Gồm 334 ha cây ngô; 1.825 ha lạc, đậu tương; 42 ha khoai tây, khoai lang và trên 800 ha rau các loại.

Từ nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy vụ Đông năm 2017 thời tiết tiếp tục ấm, có thể xảy ra tình trạng khô hạn đầu vụ và mưa nhiều cuối vụ gây ảnh hưởng bất thuận cho cây trồng, kết hợp sương mù vào sáng sớm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại. Trên cơ sở thời tiết và cây trồng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã dự báo một số đối tượng chính có khả năng phát sinh gây hại trong vụ như sau:

1. Cây rau họ hoa Thập Tự: Tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo. Cần chú ý: Sâu Tơ, sâu Khoang, Bọ nhảy sọc cong gây hại suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, trên các trà rau; bệnh Sương mai gây hại nặng giai đoạn vườn ươm; trong điều kiện thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường bệnh Thối nhũn phát sinh gây hại mạnh.

2. Cây họ Cà: tập trung trên địa bàn huyện Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên… cần chú ý các đối tượng: bệnh Mốc sương phát sinh gây hại nặng từ giữa tháng 10 cho đến đầu tháng 1 năm sau; bệnh Héo xanh vi khuẩn hại nặng giai đoạn hình thành củ, quả.

3. Trên cây ngô: Sâu đục thân, đục bắp; Sâu cắn lá; Bệnh khô vằn; Bệnh gỉ sắt; bệnh đốm lá;… xuất hiện và gây hại trên các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Tập trung địa bàn huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Mường Nhé,…

4. Cây họ đậu: Tập trung các địa bàn Tuần Giáo, các huyện Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Chà,… Chú ý: Dòi đục lá, thân; sâu khoang, sâu cuốn lá, sâu đục quả, bệnh sương mai, gỉ sắt, bệnh lở cổ rễ, chuột... gây hại.

Kiểm tra sâu bệnh trên cây rau tại xã Noong Luống - huyện Điện Biên

 

Để quản lý tốt Sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật đã định hướng một số giải pháp thực hiện:

1. Nắm bắt tình hình sinh vật gây hại

Nắm chắc diễn biến thời tiết, sinh vật gây hại, tình hình sinh trưởng cây trồng làm cơ sở để cảnh báo về phạm vi, mức độ phát sinh, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương chủ trương, biện pháp phòng, chống hiệu quả bảo vệ an toàn sản xuất.

2. Công tác chỉ đạo sản xuất

Các địa phương xây dựng quy trình sản xuất, triển khai thực hiện tới cơ sở kịp thời, hiệu quả đảm bảo sản xuất nông sản an toàn. Trong đó tập trung chỉ đạo lịch thời vụ hợp lý, thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý và phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục và các loại phân bón chuyên dùng cho từng loại cây trồng, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây, từng chân đất. Trên cây rau chủ động rải vụ để đầu ra ổn định.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn vật tư đầu vào trong sản xuất: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vât,… quy trình kỹ thuật canh tác để sản phẩm đạt An toàn thực phẩm; đặc biệt phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong sản xuất rau an toàn.

3. Công tác tuyên truyền, tập huấn

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập huấn, nâng cao ý thức cho người sản xuất trong việc áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành nông nghiệp tốt (GAP cơ bản),… trong sản xuất để hạn chế sinh vật gây hại với phương châm phòng là chính.

Khuyến cáo ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc và thuốc ít độc hại; áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt phải đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.

4. Quản lý thuốc BVTV

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc lưu thông, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng cho cây rau trên địa bàn tỉnh.

 

Tin mới nhất

Sổ tay TOT (quả chuối)(16/04/2024 9:58 CH)

Sổ tay TOT (Quả nhãn, Thanh long, Xoài)(16/04/2024 9:10 CH)

Sổ tay TOF lĩnh vực Trồng trọt và BVTV(16/04/2024 5:05 CH)

Giới thiệu bộ tài liệu về canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Tây Bắc(27/02/2024 10:15 CH)

Thông báo về việc mở Lớp "Bồi dưỡng chuyên môn về thuốc Bảo vệ Thực vật đợt II năm 2023" (15/09/2023 12:20 SA)

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng(19/06/2023 10:04 CH)

Huyện Điện Biên thắng lợi vụ lúa đông xuân(23/05/2023 11:33 CH)

Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng(03/04/2023 9:49 CH)

°
1101 người đang online